Mặc dù vẫn còn ở mức thấp so với thời hoàng kim những năm trước, song với giá 13.000 đồng/kg, mủ cao su hiện đã thoát qua mức thấp chạm đáy (năm 2015 giá mủ cao su là 5.000 đồng – 6.500 đồng/kg). Nhiều hộ nông dân tại các tỉnh miền Đông Nam bộ như Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai… khôi phục lại vườn cao su hoặc sang nhượng, tăng thêm diện tích đất trồng cao su. Đây như một sự chuyển đổi từ cây nông nghiệp sang cây công nghiệp để có nguồn thu ổn định lâu dài.
Nhiều hộ gia đình tại miền Đông Nam bộ phát triển vườn cao su
Ông Võ Văn Ẩn, ngụ tại xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước vừa quyết định đổi 1,7 mẫu đất trồng cao su hai năm của mình để lấy 5 mẫu đất cao su ba năm tại xã Lộc An, huyện Lộc Ninh để dưỡng già. Theo ông Võ Văn Ẩn, với 1,7 mẫu đất cao su hiện có trị giá là 4,2 tỷ đồng, ông đổi lấy 5 mẫu cao su (ngang giá) tại vùng chuyên canh cao su ở Lộc Ninh. Nơi ở mới dù cách xa thị trấn, nhưng lại gần công trường của Công ty TNHH Một thành viên cao su Lộc Ninh, thuận tiện cho việc khai thác và bán mủ cao su.
Vì vậy, gia đình ông yên tâm xem đây là kế sinh nhai, dưỡng già bền vững. Không chỉ riêng ông Ẩn, rất nhiều hộ gia đình nông dân tại khu vực xã Minh Hưng đang rủ nhau đổi đất trồng cây nông nghiệp (cây tiêu, cà phê, cây ăn trái) sang đất trồng cây cao su.
Điều này tạo nên một làn sóng tìm kiếm mua lại vườn cao su (từ hai ba năm tuổi trở lên) và đẩy giá đất vườn cao su tăng nhanh theo từng năm, từ 450 triệu đồng/mẫu năm 2017 lên 700 triệu đồng/mẫu vào tháng 3/2018 tại địa bàn các xã của huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.
Theo ông Đỗ Minh Tuấn, Tổng giám đốc Tổng công ty Cao su Đồng Nai, hiện nay giá mủ cao su đang có chiều hướng tăng tốt hơn, do triển vọng nhu cầu cao su tự nhiên toàn cầu năm 2018 được dự báo sẽ tăng 2,8% (từ 12,9 triệu tấn/2017 lên 13,5 triệu tấn/2018) và thị trường nội địa Việt Nam cũng đang tăng sử dụng cao su tự nhiên.
Mặt khác, trồng và phát triển cây cao su đối với nhiều hộ gia đình sẽ ít tốn công sức và phân bón chăm sóc thường xuyên hơn trồng cây ăn trái. Đối với những vườn cao su đang khai thác cũng có mùa, thông thường vào tháng 2, tháng 3 là thời điểm tạm ngưng cạo mủ (người trong nghề gọi là thời điểm gác chén), để cây tái tạo mủ và nhà nông chăm sóc vườn cây cho đợt khai thác mủ mới.
So với trồng cây ăn trái lâu năm hay cây nông nghiệp ngắn ngày, thì cây cao su cần chăm sóc hay số lượng phân bón ít hơn. Những hộ gia đình có người lớn tuổi, neo đơn có thể thuê nhân công chăm sóc vườn hay cạo mủ khi vào mùa, thu nhập vẫn ổn định.
Ông Trần Văn Cung, một nông dân tại huyện Trảng Bàng tỉnh Tây Ninh vừa mua thêm 10 mẫu cao su một năm tuổi tại xã Cầu Khởi, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh cho hay, về lâu dài cây cao su vẫn tạo được nguồn thu nhập ổn định. Nếu tính năng suất tầm trung bình của vườn cao su ba năm tuổi khoảng 1,6 tấn/ha, giá bán mủ cho các công ty cao su hiện nay khoảng 36 triệu đồng – 38 triệu đồng/tấn, sau khi trừ mọi chi phí thu hoạch mủ, chủ vườn có lãi khoảng 5 triệu – 6 triệu đồng/tấn.
Trong lúc này, hầu hết các công ty cao su đều đưa ra dự báo về mức giá cao su đang có chiều hướng tăng trở lại, nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu cũng tăng, mang hy vọng tốt cho người trồng cây cao su.
Mặt khác, ông Cung cũng tính lâu dài, khi cải tạo vườn cao su, cây cao su lâu năm còn có thể sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ nội thất và giá bán cây cao su thanh lý cũng không hề rẻ.
Cụ thể, tại huyện Dương Minh Châu tỉnh Tây Ninh này, các doanh nghiệp chế biến gỗ từ Bình Dương sang thu mua cây cao su già tại vườn đang thanh lý từ 1,5 triệu - 1,7 triệu đồng/cây cao su từ 18 – 20 năm tuổi. Vì vậy, đối với nhà nông mặc dù giá cao su hiện nay không cao, nhưng ổn định, nên việc đầu tư vườn cao su đang được ưu tiên lựa chọn.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn